Search this blog

Loading

11/30/2007 12:43:00 PM

(0) Comments

Thám tử kinh tế

Thứ Bảy hằng tuần, tạp chí Financial Times có cột báo “The Undercover Economist” được rất nhiều người đọc. Tác giả, Tim Harford, đã kết hợp kiến thức kinh tế cơ bản và chuyện thời sự để viết những bài nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng sâu sắc, giải thích các hiện tượng xã hội dưới con mắt nhà kinh tế. Loạt bài này cũng được đăng trên tạp chí trực tuyến Slate.

Trong bài “If Life Gives You Lemons...”, Harford lý giải vì sao khó lòng mua xe cũ ưng ý. Lemon ở đây là tiếng lóng chỉ xe có hỏng hóc ngầm, đặc biệt là xe đã qua sử dụng, không biết vì sao nhiều người cứ dịch nhầm là trái chanh. Nhà kinh tế học George Akerlof lập luận: “If somebody who has plenty of experience driving a particular car is keen to sell it to you, why should you be so keen to buy it?”. Người bán hăm hở bán, tức là xe có vấn đề; thế nên người mua không dại gì hăm hở mua. Tình trạng này gọi là information asymmetry (sự bất đối xứng trong thông tin) và nhờ nghiên cứu kỹ đề tài này mà Akerlof, Michael Spence, và Joseph Stiglitz đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001.

Thế nhưng khi Akerlof viết tiểu luận “The Market for Lemons: Quality Uncertainty and the Market Mechanism” vào năm 1970, “his neat little paper was turned down by two top journals because they couldn’t see past the trivia of his example”. Trivia là chuyện vặt vãnh (vì ông lấy chuyện xe làm ví dụ chính). Tạp chí thứ ba cũng từ chối nhưng vì lý do khác: The paper couldn’t be true, because if it were true then economics would be turned on its head. To turn on its head là đảo lộn, tức ý nói, nếu lập luận của Akerlof là đúng thì thị trường mua bán xe cũ đã không tồn tại.

Nếu cứ dựa vào lập luận ở trên, “There would be no price that a rational seller would offer that was low enough to make the sale”. Cụm từ to make the sale ở đây là giao dịch thành công. Ra giá càng thấp, người mua càng nghi ngờ xe có vấn đề, nên càng mặc cả để kéo giá xuống nữa. Ngược lại, “A person with a good car would hold onto it because he couldn't prove it was good and so wouldn't expect an attractive offer for it”.

Thật ra, lemons chỉ là vật đem ra làm ví dụ. “Akerlof did turn economics on its head—and eventually received the Nobel Prize for doing so—not by documenting the travails of used-car buyers and sellers, but by showing how corrosive a little bit of inside information can be to all sorts of markets”. Travail ở đây là sự vất vả, nỗi khổ; còn corrosive nghĩa chính là ăn mòn, nghĩa ở câu này là hủy hoại, phá hủy dần dần. Đúng là vấn đề thông tin đặc quyền, thông tin riêng, thông tin nội gián đang gây khó khăn cho nhiều ngành kinh tế như thị trường bảo hiểm, thị trường chứng khoán. Nghiên cứu của Akerlof vì thế đâu bày cho người ta cách bán xe cũ mà đưa ra những mô hình để dựa vào đó, người ta có thể xây dựng những cơ chế xóa bỏ tình trạng bất đối xứng trong thông tin nhằm thúc đẩy thị trường.

Ở khía cạnh tiếng Anh, hãy quan sát câu này: How many of your colleagues are lemons? Lemons trong câu này chỉ loại nhân viên lười biếng, hay làm hỏng việc. Ở câu khác, nó sẽ có nghĩa khác, tùy vào đối tượng được đưa ra làm ví dụ.

Trong một bài khác, “nhà thám tử kinh tế” Tim Harford lại cố lý giải vì sao thị trường chứng khoán cứ trồi sụt bất thường. Đầu tiên, ông giới thiệu “Greater Fool Theory”: Dù biết cổ phiếu mình mua đang có giá quá cao nhưng vì giá đang lên nên người ta cứ mua và đợi. “When the time comes, you will find a Greater Fool to take it off your hands. Until, of course, the music stops, and the Greater Fool turns out to be you”. Thành ngữ “the music stops” ý nói khi mọi việc không còn hoàn hảo như mong muốn, kẻ khờ khạo hơn đấy chính là mình và phải “ôm” cổ phiếu không còn ai chịu mua với giá cao nữa.

Tuy nhiên, Harford thừa nhận: “Economics is the study of rational behavior and does not easily accommodate Greater Fools”. Động từ accommodate trong câu này có nghĩa chấp nhận, thừa nhận. Từ “rational behavior” chúng ta có “behavioral economics” - kinh tế học hành vi. Trong thị trường chứng khoán, quan sát những người khác mua bán như thế nào để làm theo là một hành vi hoàn toàn hợp lý. Và khi nhiều người cùng mua, giá sẽ vọt lên; và nhiều người cùng bán, giá sẽ sụp đổ nhanh chóng. “Since rational investors will still look at what other investors are doing, the result will sometimes be price drops and spikes that seem whimsical”. Spike là đỉnh giá tăng và whimsical là bất bình thường.

Những bài của Tim Harford dùng tiếng Anh đơn giản, lý thuyết kinh tế được làm cho mềm đi nên dễ đọc. Các bạn hãy thử đọc những bài có tựa rất lôi cuốn như “Beauty and the Geek: Maybe good looks do make you smarter” (chơi chữ Beauty and the Beast); “The $10,000 Light Bulb...Or, why it’s so hard to measure inflation”; “The Mystery of the Rude Waiter: Why my favorite restaurant employs such a churlish lout” (churlish lout là kẻ cáu kỉnh, thô lỗ).

Nguyễn Vạn Phú
Source: TBKTSG (45/2007)
0 Responses to "Thám tử kinh tế"