Search this blog

Loading

12/01/2007 07:37:00 PM

(0) Comments

Lại nói chuyện văn phong kinh tế

Nguyễn Vạn Phú

Các tờ báo kinh tế chuyên ngành thường khó đọc vì chúng sử dụng khá nhiều khái niệm kinh tế với giả định ai nấy đều hiểu. Chính vì vậy bài “Fed Policy and Moral Hazard” của tờ Wall Street Journal là một ngoại lệ lý thú vì ngay đầu bài, tác giả đã cất công giải thích cụm từ moral hazard dùng ở tựa báo. “Moral hazard occurs when investors or property owners are protected from the downside risks of bad investment decisions, thus encouraging them to take still more unwise risks in the future”. Downside trái nghĩa với beneficial.

Từ moral hazard phổ biến nhất là trong ngành bảo hiểm. Ví dụ một người đã mua bảo hiểm xe hơi rồi thì cứ ỷ y không chịu trông coi xe cho cẩn thận vì nếu lỡ bị đánh cắp thì đã có bảo hiểm đền bù. Tình huống đó gọi là “ỷ thế làm liều” - tức là một dạng moral hazard (rủi ro đạo đức). Trong ngành ngân hàng, nếu các chủ nhà băng cứ yên chí lớn có nhà nước đứng đằng sau vì nhà nước không thể để ngân hàng sụp tiệm, có thể họ sẽ cho vay liều lĩnh hơn, đầu tư thiếu cân nhắc hơn - đấy cũng là những biểu hiện của moral hazard.

Lý do có chuyện moral hazard ở đây là vì: “Accusations of moral hazard have been tossed around quite a bit since the Federal Reserve lowered the federal-funds rate by half a percentage point a month ago today”. Chú ý cách nói “tính đến hôm nay đã là một tháng - a month ago today”. Để diễn tả mức giảm từ 5,25% xuống còn 4,75%, người ta dùng “half a percentage point”, nếu dịch 0,5% là không chính xác (vì từ 5,25% giảm 0,5% sẽ còn 5,22%). Nên dịch là 0,5 điểm phần trăm hay 50 điểm (A basis point is 0.01 percentage point). Fed funds rate là lãi suất các ngân hàng cho vay với nhau qua đêm để bảo đảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Thế nhưng đến ngang đây, tác giả bài báo cũng chưa chịu đi ngay vào đề tài chính vì sao chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạo ra sự “ỷ lại” mà bỏ công giải thích thêm một khái niệm nữa: “As entertaining as this discussion of the nexus between the Federal Reserve and moral hazard has been, the analysis is incomplete because it lacks one key element - something called the Taylor Rule”. Nexus là mối quan hệ nhân quả.

Nói một cách đơn giản, Quy luật xác định nên tăng lãi suất đến mức nào khi lạm phát đạt một ngưỡng nào đó hay ngược lại, nên giảm lãi suất đến đâu khi lạm phát giảm đến mức nào đó. Và “When these goals are in conflict the Rule provides guidance on how to adjust rates accordingly”.

Đến đây, tác giả mới chịu nói thẳng: “If the FOMC decision has provided an insurance policy that protects investor portfolios against damage, and if investor behavior takes this insurance into account in advance, then the FOMC, I will argue, does create a moral hazard each and every time it makes a monetary policy decision”. FOMC là Federal Open Market Committee (Ủy ban Thị trường mở liên bang) - chính là nơi quyết định tăng giảm lãi suất ở Mỹ. Còn nhớ lúc thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh vì khủng hoảng tài chính do vấn nạn tín dụng xấu xảy ra, FED đã đổ vào thị trường hàng chục tỉ đô la để chống đỡ cho thị trường. Nếu nhà đầu tư tin chắc có FED đứng đằng sau lưng để cứu nguy, đấy chính là một dạng moral hazard. Như vậy sự ỷ y do chính sách của FED không phải là lần cắt giảm lãi suất vừa rồi - tác giả nhấn mạnh: “This proposition is equally true whether the FOMC lowers rates, raises rates, or leaves them unchanged”.

Cũng tuần trước, nhân lúc bộ trưởng tài chính các nước G-7 họp tại Washington để bàn về cách đối phó tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã có nhiều ý kiến đòi xem xét lại vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tờ Washington Post mở đầu bằng cách trích dẫn Shakespeare: “Neither a borrower nor a lender be” (Đừng đi vay mà cũng đừng cho mượn) để nhận xét lẽ ra IMF phải ở trong tình trạng tốt nhất. Vì hiện IMF có trong tay 252 tỉ đô la chưa dùng đến, dư nợ cho vay chỉ 11 tỉ đô la.

Thế nhưng IMF đã tỏ ra lỗi thời trong thế giới tài chính ngày nay: “Born in an age of fixed exchange rates and limited international capital flows, the IMF must adapt to a new world of floating currencies and massive cross-border trade and investment”.

Hơn nữa vì dư tiền trong quỹ nên IMF làm ra không đủ tiêu. “The fund is supposed to finance its $1 billion administrative budget only out of its earnings from lending”. Năm 2004 trở về trước, tiền lãi hằng năm của IMF lên đến 1,2 tỉ đô la nhưng nay khi các nước con nợ đã trả các khoản vay trước thời hạn, các khoản thu của IMF cạn kiệt dần. Các nhà kinh tế “chọc quê” bằng cách khuyên IMF nên áp dụng “liều thuốc” đã từng kê đơn cho các nước thâm hụt ngân sách như thế bằng hai từ: Cut costs, còn dùng từ IMF hay “khuyên dùng” trước đây là “thắt lưng buộc bụng”.

Source: TBKTSG (44/2007)

0 Responses to "Lại nói chuyện văn phong kinh tế"