Search this blog

Loading

12/08/2007 10:25:00 AM

(0) Comments

Nghĩa đen hỗ trợ nghĩa bóng

Các cây bút “lão luyện” thường áp dụng một cách gây ấn tượng cho bài viết của mình: dùng nghĩa đen để tô đậm nghĩa bóng, hay đúng ra, cùng một từ, dùng các nghĩa khác nhau để bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, tạp chí “The Banker” trong số báo tháng 12-2007 đã giới thiệu chân dung của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Câu kết của bài viết: “From next year, helmets will be obligatory on motorbikes, a law that will save many lives. Mr Giau, however, may be well advised to purchase one immediately as he negotiates the application traffic”.

Để hiểu câu sau, cần biết theo thông tin của báo này, hiện đang có 46 đơn xin thành lập ngân hàng nộp tại Ngân hàng Nhà nước. Động từ negotiate thường dùng theo nghĩa thương lượng, thương thảo; dùng với traffic thì có nghĩa len lỏi trong dòng xe cộ. “To negotiate a sharp curve” là ôm một khúc đường cong ngặt rất ngọt. Câu đầu nói chuyện đội nón bảo hiểm nên traffic hiểu theo nghĩa xe cộ lưu thông; câu sau nói hồ sơ xin thành lập ngân hàng nên application traffic là dòng hồ sơ, chồng hồ sơ phải giải quyết. Ai cũng muốn đơn mình được giải quyết nên cần helmet để có thể chịu áp lực từ nhiều phía. Văn ngắn gọn nhưng chuyển tải nhiều ý là nhờ cách dùng từ, vừa theo nghĩa đen, vừa theo nghĩa bóng của tác giả.

Trong bài nói về đồng đô la Mỹ, tờ Economist cũng bắt đầu theo cách này: “The weather may be cold and wet, but in the rich world’s financial markets it is beginning to feel like August all over again”. Khi viết “feel like August”, ý tác giả muốn nói đến cảm giác “sunny, warm, dry...” để đối chọi với “cold and wet” ở trên - theo kiểu “phấn khởi, hồ hởi”! Ở đây dùng chuyện thời tiết để nói đến tâm lý của giới tài chính hiện nay.

Hình như loại văn này gây khó khăn cho người học tiếng Anh nhất vì muốn hiểu hết ý tác giả thì cần hiểu dòng liên tưởng mà tác giả muốn gởi gắm. Một bài rất ngắn viết về chuyện Nhật Bản bắt đầu lấy dấu vân tay của người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật có tít “Giving you the finger”. Nếu chỉ chú ý đến từ fingerprint, chúng ta sẽ bỏ qua nghĩa thường dùng của thành ngữ “to give someone the finger” (một cách ra dấu thay cho câu chửi thề thường thấy trong phim Mỹ), ở đây mang nghĩa phản đối chủ trương lấy dấu tay. Hoặc câu này: “What many dreamed would be a gilded carriage carrying the Israeli and Palestinian leaders to a grand ball of peacemaking has turned back into a pumpkin before their eyes”. Để hiểu nó, chúng ta phải biết tác giả đang dùng “điển tích” Cô bé Lọ Lem, đang nhắc đến chuyện bà tiên từng biến trái bí ngô thành cỗ xe dát vàng lộng lẫy để đưa cô đi dự tiệc. Ở đây mọi chuyện xảy ra ngược lại. Vì thế các tít phụ của bài này đều nhắc đến điển tích này để nói chuyện hiện tại như “Close to midnight”, “What about the ugly sisters”...

Xin giới thiệu một bài trên tờ Vietnam News, giới thiệu tiệm ăn “Oh My God” (tên tiếng Việt: Ối Giời Ơi) ở Hà Nội của Jacob O Gold đã sử dụng được một số cách liên tưởng như vậy. “If you suddenly find yourself on a motorbike plying along the busy boulevard of Giang Vo... your stomach is a-rumble with a painful hunger, you may, à la David Byrne, ask yourself, How did I get here?”. “À la David Byrne” là muốn nhắc đến bài hát khá nổi tiếng của nhạc sĩ này, “Once in a Lifetime”, trong đó nhắc đi nhắc lại nhiều câu hỏi tự vấn. Ở một câu khác, “... an enormous orange sign reads your mind and echoes back, Oh My God! This is actually the name of the restaurant. Maybe the owner was an enormous fan of Rob Reiners 1989 film When Harry Met Sally” thì việc dùng cách liên tưởng phim When Harry Met Sally là trực tiếp. Tuy nhiên kỹ thuật dùng chuyện này để nhấn mạnh chuyện kia ở đây chưa được nhuần nhuyễn vì khá lộ và dùng ví dụ ít người biết.

Sử dụng lối văn này thường xuyên nhất có lẽ là giới quảng cáo. Vì cần viết ngắn gọn nhưng chuyển tải nhiều thông tin, những tay viết quảng cáo giỏi phải cân nhắc để sử dụng từ hay hình ảnh khơi gợi nhiều liên tưởng nhất ở người đọc. Quảng cáo thành công hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn có đắt hay nhạt.

Ví dụ một quảng cáo cần tuyển giám đốc điều hành viết: “The cheese has moved. Got what it takes?” Người đã đọc cuốn sách nổi tiếng “Who moved my cheese...” của Spencer Johnson khi đọc câu đầu “The cheese has moved” đều hiểu theo nghĩa “Thử thách đang ở phía trước”. Còn câu “Got what it takes?” thường dùng hơn, có nghĩa “Có đủ năng lực, đủ dũng cảm, đủ khôn ngoan để đương đầu với các thử thách đó không?” Với những ai chưa đọc cuốn sách, có lẽ quảng cáo sẽ không thành công. Nhưng ở đây đang tuyển giám đốc điều hành nên quảng cáo giả định các ứng viên đã đọc nó rồi.
Nguyễn Vạn Phú
Source: TBKTSG (50/2007)
0 Responses to "Nghĩa đen hỗ trợ nghĩa bóng"